Trong một vài năm qua, việc mua ôtô chạy dịch vụ trở nên phổ biến ở Việt Nam nhờ sự phát triển của các hình thức gọi xe công nghệ. Bên cạnh xe đô thị tầm giá 400 triệu đồng, ôtô 600 triệu đồng cũng là phân khúc được nhiều người dùng chọn lựa để đầu tư, với các điểm cộng về không gian rộng rãi, trang bị và an toàn.
Ba cái tên đáng chú ý đại diện cho nhóm xe dịch vụ tầm 600 triệu đồng hiện nay có thể kể đến Toyota Vios, Kia Cerato và Suzuki Ertiga.
Từ lâu, Toyota Vios luôn là cái tên được nhắc đến đầu khi cân nhắc mua xe hạng B. Không chỉ có chi phí sử dụng hợp lý và thuận tiện trong việc bảo trì bảo dưỡng, Vios còn mang thương hiệu Toyota với tính thanh khoản cao. Các yếu tố này giúp người dùng Vios tối ưu được hiệu quả đầu tư.
Đầu năm nay, Toyota Việt Nam ra mắt các phiên bản nâng cấp 2020 của Vios trước sức ép cạnh tranh doanh số từ 2 mẫu xe Hàn Quốc là Hyundai Accent (426-542 triệu đồng) và Kia Soluto (369-469 triệu đồng).
Hãng xe Nhật Bản bổ sung trang bị cho các model mới, đồng thời cung cấp thêm tùy chọn 3 túi khí hoặc 7 túi khí cho bản E MT và E CVT. Điều này nhằm giảm mức giá khởi điểm 20 triệu đồng và tiếp cận thêm nhóm khách hàng mua xe chạy dịch vụ. Cụ thể, 5 biến thể Toyota Vios hiện có giá đề xuất dao động từ 470 đến 570 triệu đồng.
Những tính năng mới giúp Vios bớt phần thua thiệt so với Hyundai Accent hay Honda City (559-599 triệu đồng) về mặt trang bị, gồm có hệ thống giải trí hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto, ga tự động, camera lùi và cảm biến lùi. Tuy vậy, thiết kế nội ngoại thất trung tính của Toyota Vios được giữ nguyên. Ưu điểm của Vios là không gian cabin rộng rãi và thoải mái cho hành khách.
Toyota Vios vẫn trang bị động cơ xăng I4 1.5L có van biến thiên Dual i-VVT, công suất đạt 107 mã lực cùng mô-men xoắn 140 Nm. Đi kèm với đó là tùy chọn hộp số vô cấp CVT hoặc hộp số sàn 5 cấp. Mức tiêu thụ nhiên liệu ở điều kiện kết hợp theo nhà sản xuất công bố tương ứng là 5,7-5,8 lít/100 km.
Tính từ đầu năm đến nay, Toyota Vios vẫn là dòng xe bán tốt nhất tại thị trường Việt Nam. Tổng cộng đã có hơn 14.055 model Vios được bán ra đến hết tháng 7, doanh số trung bình 2.000 xe mỗi tháng. Trong khi đó, doanh số của Accent, City cùng Soluto là 9.568, 4.915 và 3.606 chiếc.
Với mức giá khởi điểm tương đương một vài mẫu xe hạng B, Kia Cerato trội hơn về không gian cũng như có khung gầm vững chắc hơn. Ngoài ra, tính năng trang bị ở mức khá tốt để phục vụ hành khách giúp mẫu sedan Hàn Quốc được chọn lựa để sử dụng làm xe dịch vụ.
Trong cùng nhóm xe hạng C, Cerato có lợi thế về giá bán cạnh tranh hơn Mazda3 sedan (669-869 triệu đồng), Hyundai Elantra (580-769 triệu đồng), Honda Civic (729-934 triệu đồng) và Toyota Corolla Altis (733-763 triệu đồng).
Hiện tại, bản Cerato 1.6 MT tiêu chuẩn có giá 529 triệu đồng, trong khi model 2.0 Premium cao cấp có giá 665 triệu đồng. Bên cạnh đó, Cerato có thiết kế trẻ trung, cá tính ở cả ngoại thất lẫn khoang lái.
Các trang bị đáng chú ý ở bản Cerato 2.0 AT Premium có thể kể đến như màn hình trung tâm 8 inch, dẫn đường tiếng Việt, sạc điện thoại không dây, cửa sổ trời, đèn chiếu sáng LED… Tuy nhiên, Kia Cerato ra mắt từ 2018 đến nay chưa có đợt nâng cấp nào nên có phần thua thiệt về mặt công nghệ an toàn so với các đối thủ.
Kia Cerato có 2 tùy chọn động cơ xăng, gồm động cơ Gamma 1.6L MPI (128 mã lực và 157 Nm) và động cơ Nu 2.0L MPI (159 mã lực và 194 Nm). Đi cùng với đó là hộp số sàn 6 cấp ở bản tiêu chuẩn và hộp số tự động 6 cấp ở 3 phiên bản AT.
Tính đến cuối tháng 7/2020, Kia Cerato đang là cái tên đứng đầu nhóm xe hạng C, xếp trên một mẫu xe khác cũng được Thaco lắp ráp và phân phối là Mazda3. Cụ thể, Cerato bán được 4.815 chiếc, nhỉnh hơn Mazda3 với 4.675 xe (382 chiếc hatchback và 4.293 mẫu sedan). Xếp sau còn có Hyundai Elantra (2.141 chiếc), Honda Civic (1.464 chiếc) và Toyota Corolla Altis (1.037 chiếc).
Ởphân khúc MPV 7 chỗ cỡ nhỏ, Suzuki Ertiga là cái tên sáng giá cho mục đích sử dụng làm xe dịch vụ khi có giá bán thấp hơn các đối thủ. Cụ thể, Suzuki hiện bán 3 model là Ertiga GL, Limited và Sport, với mức giá lần lượt 499, 555 và 559 triệu đồng.
Trong khi đó, mức giá của Toyota Avanza là 544-612 triệu đồng, Kia Rondo có giá dao động 559-655 triệu đồng và Mitsubishi Xpander được bán với giá đề xuất 555-630 triệu đồng.
So với mẫu xe đang bán chạy nhất phân khúc là Mitsubishi Xpander, Ertiga có thiết kế trung tính hơn. Trong khi đó, tính đa dụng là tương đương, với cabin thiết kế kiểu 5+2 có thể đáp được được nhiều nhu cầu di chuyển khác nhau.
Ở đợt nâng cấp tháng 6/2020, Suzuki trang bị cho Ertiga 2 chức năng an toàn là hệ thống cân bằng điện tử và hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Bên cạnh đó, Ertiga 2020 có cụm giải trí nổi bật với màn hình 10 inch lớn nhất phân khúc và hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto. Điểm hạn chế của Suzuki Ertiga là vẫn chưa có tính năng ga tự động và ghế bọc da như Xpander.
Suzuki trang bị cho Ertiga động cơ xăng I4 dung tích 1.5L, công suất tối đa 103 mã lực và mô-men xoắn cực đại 138 Nm. Đi cùng với đó là hộp số tự động 4 cấp hoặc số sàn 5 cấp. So với các đối thủ, Ertiga có mức tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn, đạt 5,95 lít/100 km ở điều kiện hỗn hợp theo công bố của nhà sản xuất.
Doanh số tính đến hết tháng 7/2020 của Suzuki Ertiga là 1.651 xe, ít hơn Mitsubishi Xpander với 7.493 chiếc. Xếp sau mẫu MPV của Suzuki là Kia Rondo (640 chiếc) và Toyota Avanza (185 chiếc).